Ngày 22/10/2020, tại Bộ Xây dựng, Hội đồng tư vấn đánh giá đã họp nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ “Nghiên cứu ứng dụng nội bảo dưỡng để giảm co ngót và nứt kết cấu bê tông cường độ cao trong công trình xây dựng ở Việt Nam” – mã số RD 43-18 do Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội thực hiện. Phó Chủ tịch Hội đồng – TS Nguyễn Quang Hiệp (Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng), chủ trì cuộc họp.
Nghiệm thu đề tài NCKH cấp Bộ
Báo cáo trước Hội đồng, PGS.TS. Nguyễn Duy Hiếu, chủ nhiệm đề tài cho biết, hiện nay bê tông cường độ cao đang được sử dụng khá phổ biến do những ưu điểm của nó mang lại như giảm tiết diện kết cấu, giảm trọng lượng bản thân, tiết kiệm vật liệu, hướng tới giảm tác động môi trường. Bảo dưỡng là một công đoạn quan trọng để đảm bảo các tính chất của bê tông phát triển bình thường. Đối với bê tông cường độ cao, quá trình bảo dưỡng còn có ý nghĩa quan trọng hơn. Các nghiên cứu đã cho thấy: đối với bê tông cường độ cao, với tỷ lệ nước trên chất kết dính thấp, ngoài quá trình co do nước bay hơi ra môi trường bên ngoài, co nội tại cũng là một vấn đề ảnh hưởng lớn đến chất lượng. Do đó, mục tiêu đề ra của nhóm đề tài là nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn của giải pháp nội bảo dưỡng bê tông cường độ cao sử dụng các vật liệu sẵn có để hạn chế co ngót và nứt bê tông. Cùng với đó, nghiên cứu đánh giá hiệu quả của giải pháp nội bảo dưỡng và đề xuất công nghệ kỹ thuật nội bảo dưỡng bê tông phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Bằng phương pháp nghiên cứu lý thuyết về cơ sở khoa học của nội bảo dưỡng bê tông kết hợp với nghiên cứu thực nghiệm đánh giá các tính chất dựa trên các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế, nhóm nghiên cứu đã hoàn thành đề tài, sản phẩm gồm có báo cáo khoa học tổng kết nhiệm vụ, dự thảo Chỉ dẫn kỹ thuật thi công nội bảo dưỡng bê tông và hai bài báo khoa học (hội thảo quốc tế) đăng trên tạp chí kỹ thuật chuyên ngành.
Nhận xét về đề tài, hai ủy viên phản biện là PGS. TS. Nguyễn Văn Tuấn (Trường Đại học Xây dựng) và TS. Hoàng Minh Đức (Viện Khoa học công nghệ xây dựng – Bộ Xây dựng) cùng các thành viên Hội đồng đánh giá cao chất lượng khoa học của đề tài với sự nghiên cứu nghiêm túc của nhóm tác giả thực hiện, đảm bảo đầy đủ sản phẩm theo hợp đồng. Nhóm đề tài đã công phu nghiên cứu lý thuyết, tính toán thiết kế, chế tạo thử, thử nghiệm các tính chất và đánh giá hiệu quả nội bảo dưỡng sử dụng cát nhẹ keramzit và SAP, và đưa ra chỉ dẫn kỹ thuật nội bảo dưỡng bê tông cường độ cao sử dụng cát nhẹ keramzit.
Tại cuộc họp, các chuyên gia cũng đưa ra một số ý kiến đóng góp, trao đổi với chủ nhiệm đề tài một số nội dung như: cần trình bày thêm về cơ sở khoa học của việc sử dụng polymer siêu hấp thụ nước; một số chỉ tiêu của cát nhẹ nên có đánh giá theo tiêu chuẩn hiện hành TCVN 6220:1997; đề tài đã thực hiện nghiên cứu với hai vật liệu nội bảo dưỡng là cát nhẹ và polymer siêu hấp thụ nước, tuy nhiên dự thảo Chỉ dẫn mới chỉ đề cập đến cát nhẹ, phần phạm vi áp dụng nên làm rõ vấn đề này…
Kết luận cuộc họp, TS. Nguyễn Quang Hiệp – Phó Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu thống nhất với ý kiến của Hội đồng đánh giá cao kết quả nghiên cứu khoa học của đề tài “Nghiên cứu ứng dụng nội bảo dưỡng để giảm co ngót và nứt kết cấu bê tông cường độ cao trong công trình xây dựng ở Việt Nam”, đề tài hoàn toàn đáp ứng nhu cầu cấp thiết của vấn đề nghiên cứu.
Đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu với kết quả xếp loại Khá.
Nguồn: http://moc.gov.vn/vn